Sunday, December 20, 2020

KINH BỔN NGUYỆN CÔNG ĐỨC CỦA PHẬT DƯỢC SƯ

1. CƠ DUYÊN THUYẾT KINH

Tôi  nghe  như  vầy:  có  một  thuở  nọ, trên đường du hóa, đức Phật ngồi nghỉ dưới cây Nhạc Âm, thuộc thành Quảng Nghiêm. Trong hội bấy giờ, ba mươi sáu ngàn  vị  đại  Bồ-tát,  tám  ngàn  tỳ-kheo, nhiều vị quốc vương, đại thần cư sĩ, các bà-la-môn, bát bộ thiên long, cung kính chí thành, thỉnh Phật thuyết pháp.         O

Đại  diện  pháp  hội  là  đức  bồ-tát Văn Thù Sư Lợi chắp tay cung kính, bạch đức Phật rằng:- 

Bạch đức Thế Tôn, xin ngài nói rõ danh hiệu, hạnh nguyện, công đức rộng

lớn của các đức Phật, để cho nhân loại ở đời tượng pháp nương theo tu hành, được nhiều lợi lạc.Đức Phật khen rằng, lành thay lành thay, Văn Thù Sư Lợi, hãy lắng lòng nghe, ta sẽ  tuyên  thuyết  công  đức  hạnh  nguyện của Phật Dược Sư.                              

2. MƯỜI HAI NGUYỆN LỚN

Văn Thù Sư Lợi, đức Phật Dược Sư, khi còn hành đạo Bồ-tát cứu đời, đã phát mười hai lời nguyện rộng lớn, cứu giúp mọi loài, cầu chi được nấy, thoát khỏi khổ đau.       

Nguyện thứ nhất là: khi ta chứng được đạo quả bồ-đề, hào quang sáng rực, tỏa từ thân ta, soi các hành tinh, khiến cho chúng sinh, được thân tướng hảo, trang nghiêm như Phật, không thua không kém.         O

Nguyện thứ hai là: khi ta chứng được đạo quả bồ-đề, thân ta đẹp đẽ như ngọc lưu ly, không chút bợn nhơ, tợ vầng nhật

nguyệt,  chiếu  soi  muôn  vật.  Các  loài hữu tình ở chốn u minh, nương ánh hào quang, tâm như hoa nở, trí tuệ sáng ra, siêng năng làm việc, thành tựu sự nghiệp, hạnh phúc tràn đầy.                                 O

Nguyện thứ ba là: ta dùng vô số trí tuệ vô sư, giúp cho mọi người được tâm sáng ngời, biết cách tự chủ, nhu cầu đầy đủ, gia quyến sum vầy, an lạc thảnh thơi, không còn lo toan những điều thiếu thốn.          O

Nguyện thứ tư là: nếu có người nào lỡ theo đường tà, thì ta khiến họ trở về đường chánh. Nếu có người nào tâm hành nhỏ hẹp, thiếu lòng vị tha, thì ta giúp họ lập chí nguyện lớn, tu hạnh bồ-tát, lợi lạc nhiều người.                                            O

Nguyện thứ năm là: nếu có người nào, trong giáo pháp Phật, nỗ lực tu tập, giữ gìn đạo hạnh, ta sẽ giúp họ thành tựu trọn vẹn: giới nhiếp luật nghi, giới tăng pháp lành, giới lợi chúng sinh. Nếu ai lỡ phạm,

thành tâm trì niệm danh hiệu Dược Sư, lại được thanh tịnh, chẳng sa đường ác.O

Nguyện  thứ  sáu  là:  nếu  có  người nào, không đủ các căn, thân hình khiếm khuyết,  mắt  mù  tai  điếc,  tay  chân  tật nguyền, ngọng nghệu cà lăm, kém trí tối tăm, điên cuồng lác hủi, chịu nhiều khổ não, thì hãy gắng công trì pháp Dược Sư, liền được khỏi bệnh, các căn đầy đủ, thân hình đoan chánh, tâm tánh thông minh. O

Nguyện thứ bảy là: nếu có người nào mắc nhiều chứng bệnh, nghèo cùng khốn khổ, không ai giúp đỡ, không nơi nương tựa, không gặp thầy thuốc, khi nghe danh ta, trì pháp Dược Sư, sẽ chóng lành bệnh, khổ não tiêu trừ, thân tâm an lạc, quyến thuộc  sum  vầy,  của  cải  sung  túc,  gặp nhiều thuận duyên, tấn tu đạo nghiệp.   O

Nguyện thứ tám là: nếu có người nữ, chịu nhiều khổ sở, muốn thoát khỏi cảnh thân gái đoạn trường, khi nghe danh ta,một  lòng  trì  niệm,  hành  pháp  Dược  Sư, được tướng trượng phu, xứng bậc anh thư, gặp nhiều duyên tốt, chứng quả bồ-đề.     O

Nguyện thứ chín là: nếu có hữu tình, sa vào lưới ma, lạc rừng tà kiến, hành theo ngoại đạo, chấp mắc buộc ràng, ta sẽ  trợ  duyên,  khai  tâm  điểm  trí,  bằng phương tiện quý, khiến khỏi đường mê, trau giồi chánh kiến, học hạnh Bồ-tát, lần lần chứng được đạo quả bồ-đề.           O

Nguyện thứ mười là: nếu có người nào, do tâm phiền não, vi phạm pháp luật, nên bị giam nhốt trong chốn lao linh, hoặc bị hành hình, nhất sinh thập tử, chịu nhiều nhục khổ, sầu đau buồn bã, hễ nghe danh ta, hành pháp Dược Sư, thì các khổ ấy đều được tiêu trừ.                                  O

Nguyện thứ mười một: nếu có những người, vì cơn đói khát, tạo nhiều điều ác, khi nghe danh ta, hành pháp Dược Sư, thì ta khiến họ luôn được no đủ, lánh xa điều dữ; sau đó ta ban thức ăn chánh pháp, cho họ an lạc, vững tin tiến bước trên đạo bồ-đề.     O

Nguyện thứ mười hai: nếu ai lâm cảnh màn trời chiếu đất, không có áo mặc, muỗi mòng cắn đốt, nóng lạnh dãi dầu, ngày đêm khổ bức, khi nghe danh ta, hết lòng thọ trì Dược Sư thắng pháp, thì ta khiến họ cầu gì được nấy, y phục tốt đẹp, của cải đủ đầy, đời sống vui vầy, để làm việc tốt.              O

3. CÕI PHẬT DƯỢC SƯ

Văn Thù Sư Lợi, ở cõi phương Đông, cách mười muôn ức cõi nước chư Phật, có một thế giới, tên là Lưu Ly, trang nghiêm thanh tịnh. Đức Phật giáo chủ cõi ấy hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, đầy đủ mười hiệu của bậc đại giác.Trong  cõi  Phật  ấy,  đất  bằng  lưu  ly, nhiều hàng cây quý, giăng làm ranh giới, thành quách cung điện, cửa sổ mái hiên, nét đẹp trang nghiêm, toàn bằng thất bảo, như cảnh Cực Lạc của Phật Di-đà.Lại trong cõi ấy, có hai Bồ-tát: Nhật Quang Biến Chiếu, Nguyệt Quang Biến Chiếu là bậc thượng thủ trong các bồ-tát, giúp Phật Dược Sư truyền bá chánh pháp, đem lại lợi lạc cho chúng hữu tình.Cho nên Văn Thù, người đủ niềm tin nên phát lòng thành, sinh về cõi ấy, đời đời an vui, không còn thối chuyển.        O

4. QUẢ BÁO BỎN XẺN

Văn Thù Sư Lợi, trong thế giới này, có rất nhiều người không biết lành dữ, ôm lòng ích kỷ, không thích bố thí, ngu si vô trí, bỏn xẻn tham lam, nhân quả không tin, bo bo giữ gìn của cải vật chất; khi ai đến xin, không màng chia sớt. Nếu phải cho  người,  đem  lòng  tiếc  nuối,  dường như lắt thịt trên thân thể mình, đau đớn vô cùng! Lại cũng có người tánh tình tham lẫn, cất giấu thật nhiều, không dám ăn tiêu, cho bản thân họ. Ngay cả thân bằng: cha mẹ vợ con, bạn thân tôi tớ, lâm cảnh nghèo cùng, cần  sự  giúp  đỡ,  vẫn  không  phát  tâm,  giúp người đáng giúp. Những người như vậy, sau khi qua đời, sanh làm quỷ đói, sống trong thiếu thốn. Nhưng nếu nhớ niệm danh hiệu Dược Sư, sẽ sanh làm người, không màng vật chất, nhớ khổ ngạ quỷ, thực hành bố thí, giúp người nghèo cùng, hy sinh bản thân, phát triển thiện căn, hành Bồ-tát đạo.        O

5. HỒI ĐẦU HƯỚNG THƯỢNG

Lại nữa Văn Thù, trong đời mạt pháp, có người phá giới, đánh mất niềm tin, hủy hoại chánh kiến, lười tu kém học, tự cao chấp mắc, đố kỵ ghét ganh, khen mình chê người, phỉ báng chân lý, kết bạn kẻ ngu, lún sâu tà kiến. Những người như thế sẽ bị đoạ sa, trôi lăn sáu nẻo, chịu nhiều đau khổ, không khi nào cùng.  Nhưng nếu nghe được, danh hiệu Dược Sư, làm lành lánh dữ, từ bỏ đường mê, nẻo chánh hướng về, điều hòa tâm ý, bỏ tục xuất gia, kính tin Tam Bảo, học rộng nghe nhiều, mở mang trí tuệ, lìa thói kiêu ngạo, tùy hỷ với người, tán dương chánh pháp,  thân  cận  người  hiền,  xé  lưới  vô minh, tát sông phiền não, tu hạnh Bồ-tát đến khi thành tựu đạo quả bồ-đề.          O

6. HÓA GIẢI OAN TRÁI

Lại nữa Văn Thù, ai sống trong cảnh bị người thù hận, tranh chấp kiện tụng, não loạn thân tâm, rước quỷ cầu thần, ếm đối hãm hại, khổ sở kéo dài, năm này tháng nọ, nên trì danh hiệu đức Phật Dược Sư, thì những tà thuật không thể hại được, còn kẻ hung dữ trở nên hiền từ; hai bên hoà hảo như bạn tâm giao, hiềm hận tiêu tan, oan khiên dứt sạch. 

7. PHƯỚC BÁO TRÌ DANH

Lại nữa Văn Thù, nếu có tỳ-kheo, hoặc tỳ-kheo-ni, thiện nam tín nữ, giữ gìn giới hạnh,  làm  nhân  vãng  sanh  thế  giới  an lành A-di-đà Phật, mà chưa nhất tâm, đến lúc mạng chung nên niệm danh hiệu đức Phật Dược Sư, thì tám Bồ-tát: Văn Thù Sư Lợi, đức Quán Thế Âm, đức Đại Thế Chí, đức Vô Tận Ý, đức Bảo Đàn Hoa, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Dược Vương, và đức Dược Thượng, đến bên tiếp dẫn, đưa đường chỉ lối, khiến cho hoá sanh, bằng hoa sen báu, về cảnh an lành, Tây Phương Cực Lạc.    O

Nếu  sanh  cõi  trời,  hưởng  phước  đời đời, không còn đọa lạc. Khi bỏ cõi trời sẽ  sanh  cõi  người,  làm  Chuyển  Luân Vương, đức rạng mười phương, uy nhiếp bốn biển, giáo hoá hữu tình theo đường thập thiện, hòa bình hưng thịnh ở khắp mọi nơi, người người tinh tiến hoàn tất hạnh lành. Hoặc làm vua chúa, tỷ phú đại gia, thân quyến thuận hoà, của tiền dư dã, vật dụng đủ đầy, tướng mạo đoan trang, tư cách vượt phàm, thông minh sáng láng.         O

8. THẦN CHÚ DIỆT KHỔ

Lại nữa Văn Thù, đức Phật Dược Sư biết loài hữu tình mắc nhiều bịnh khổ, hoặc bị chết ngang, hoặc bị chết yểu, nên ngài phát nguyện, dùng sức đại từ, vào trong đại định “diệt trừ khổ não của các chúng sinh.” Từ đỉnh đầu ngài, hào quang chiếu rọi, nói chú tiêu tai, ba cõi bốn loài, dứt hết bệnh khổ, hưởng được an vui:

Nam-mô Bạc-già-phạt-đế, bệ-sát-xã, lũ-lô-thích-lưu-ly,  bác-lặc-bà,  hắc-ra-xà-giả. Đát-tha yết-đa-gia, a-ra-hắc-đế. Tam-miệu  tam-bột-đà-gia,  đát-điệt-tha. Án bệ-sát-thệ, bệ-sát-thệ, bệ-sát-xã, tam-một yết-đế xóa-ha.                 O

Nếu có người nào mắc bệnh nan y, thì hãy niệm trì Dược Sư thần chú trăm lẻ tám biến, vào trong nước sạch, không có vi trùng, cho bệnh nhân dùng, liền được khỏe mạnh, lại thêm sống lâu, sở nguyện tùy tâm, cát tường như ý. Cõi Phật Lưu Ly, an vui hạnh phúc, đến khi nghiệp hết, liền được sinh về, Bồ-tát đề huề, phóng quang tiếp dẫn, không còn thối chuyển trong cõi luân hồi, dần dần chứng đắc vô thượng chánh giác.                                 O

9. TRUYỀN BÁ HÀNH TRÌ

Những ai cầu phúc thì phải siêng năng, dâng quả thắp hương, cúng dường Phật tượng. Đối với kinh điển, phát tâm phổ biến, ấn tống thọ trì, suy nghiệm nghĩa lý. Đối với pháp sư, giảng nói kinh pháp thì nên cung kính, thân cận cúng dường, học hỏi tận tường, thực hành áp dụng, đến khi chứng đặng đạo quả Bồ-đề. Với người tín tâm thì nên khuyến khích, khiến họ tỉnh thức, ngày cũng như đêm, hành trì danh hiệu của Phật Dược Sư.    O

10. HÀNH PHÁP DƯỢC SƯ

Lại  nữa Văn Thù,  nếu  chúng  sinh  nào muốn khỏi hoạnh tử, giải ách trừ tai, thì phải miệt mài làm lành lánh dữ, thỉnh bảy hình tượng đức Phật Dược Sư, thờ trên tòa cao, trang nghiêm sạch sẽ, rải hoa dâng hương, đốt đèn tục mạng, suốt bảy ngày đêm. Giữ tâm thanh tịnh, thọ trì giới hạnh, ăn món thanh trai, không giận không buồn, thương  xót  mọi  loài  như  mình  không khác. Phát triển từ bi, ban vui cứu khổ, giữ lòng hoan hỷ, buông xả thứ tha, khen ngợi hạnh lành, tán dương người thiện. Luôn nhiễu quanh Phật, đảnh lễ cúng dường, khắc ghi bổn nguyện của Phật Dược Sư, đọc tụng suy tư, dạy người làm phước. Mỗi khi thọ trì, suy nghiệm nghĩa lý, diễn nói khai thị cho người khác biết. 

11. LỢI ÍCH THỌ TRÌ

Làm được như vậy, sở cầu toại ý, giàu sang quan vị, khỏe mạnh sống lâu. Nếu trong giấc ngủ, gặp toàn mộng dữ, hoặc đang lúc thức, thấy điều quái dị, thì nên thọ trì danh hiệu Dược Sư, điềm xấu tiêu trừ, không còn lo sợ.Bất cứ lúc nào, gặp những nạn tai, lụt trôi  lửa  cháy,  giặc  giã  xăm  lăng,  trộm cướp nhiễu nhương, bất công áp bức, tự do mất hết, dân chủ không còn, nạn quan lộng hành; dưới biển cá kình, trên non hổ dữ, cọp sói độc xà, nhất sinh thập tử, thì nên chuyên niệm danh Phật Dược Sư, đọc tụng thần chú, tất cả nạn tai thảy đều tan biến.                                                  O

Nếu có người nào quy y Tam Bảo, lỡ phạm giới luật, sợ bị sa đọa vào ba đường ác, thì nên thọ trì danh hiệu Dược Sư; nhờ công đức này, thoát khỏi đường dữ. Nếu có phụ nữ, đau đớn lúc sanh, sức lực  không  còn,  tưởng  chừng  như  chết. Cũng nhờ phước đức, niệm Phật Dược Sư, đau khổ tạ từ, hạ sinh an ổn, mẹ tròn con vuông. Nhờ phước báu đó, con được đoan trang, thông minh sáng láng, không có bệnh hoạn, ai thấy cũng thương.         O

12. LỜI PHẬT KHÔNG SAI

Đức Phật liền hỏi tôn giả A-nan có tin được rằng công đức của Phật Dược Sư Lưu Ly sâu xa ngần ấy? Tôn giả A-nan bạch đức Phật rằng: “Mặt trời mặt trăng còn có thể rơi, núi Tu-di cao có thể lay động, nhưng lời của Phật không thể sai được.”  Những  việc  Phật làm, nhiệm mầu khó hiểu; chỉ Phật với Phật mới hiểu tột cùng. Những kẻ không tin, sinh lòng phỉ báng, sẽ bị đọa lạc trong đường ác thú, lưu chuyển không cùng.Lại nữa A-nan, thân người khó đặng. Tin ba Ngôi Báu lại còn khó hơn. Thọ trì danh hiệu, hành pháp Dược Sư còn khó hơn nữa.                                                  O

13. PHƯƠNG PHÁP DIÊN THỌ

Bấy giờ trong hội, Bồ-tát Cứu Thoát chắp tay bạch Phật: “Bạch đức Thế tôn, trong  thời  tượng  pháp,  có  nhiều  chúng sinh, khốn khổ hoạn nạn, bệnh tật triền miên, đi đứng không yên, thân thể yếu ớt, mắt mờ tai điếc, uống ăn không được, môi cổ khô ran, tướng chết hiện ra, thân quyến mẹ cha, buồn thương lệ đổ. Thân tuy nằm liệt, thức thần nhớ hết việc làm thiện ác; những gì đã tạo trong thời gian qua, quyết định tội phước, khổ đau hạnh phúc, thành bại trong đời. Lúc đó thân nhân nên quy y Phật, tụng kinh Dược Sư, đốt  đèn  bảy  từng,  treo  phan  tục  mạng, suốt  bảy  ngày  đêm,  cho  đến  bảy  tuần. Nhờ công đức này, thần thức người bệnh như tỉnh chiêm bao, hiểu rõ nghiệp báo, nhân quả thiện ác. Từ đó về sau, dẫu cho có được tiền tài danh vọng, cũng không dám tạo những nghiệp ác nữa.”            O

Tôn  giả  A-nan  hỏi  ngài  Cứu  Thoát: “Phải làm thế nào để được sống lâu?”   O

Bồ-tát  Cứu  Thoát  liền  đáp  lời  rằng: “Những ai đau bệnh, muốn được bình an thì những người thân giữ gìn tám giới, trong suốt một tuần, sắm sanh vật dụng, cúng dường chư tăng, làm việc từ thiện, ngày  đêm  sáu  thời,  đốt  bảy  ngọn  đèn, dâng lên cúng dường bảy đức Dược Sư, lễ bái thọ trì danh hiệu của Phật, phóng sanh thả vật, bảo vệ môi trường, thì những tai ương, thảy đều dứt sạch, những nạn chết ngang không thể nhiễu hại.”                 O

14. MƯA HÒA GIÓ THUẬN

Lại nữa A-nan, những bậc vua chúa làm lễ quán đảnh, gặp lúc có nạn, nước khác xâm  lăng,  hoặc  bị  nội  loạn,  nhật  thực nguyệt thực, mưa gió trái mùa, hạn hán không mưa, hoặc lũ ngập tràn, nạn dịch lan truyền, trăm điều khổ sở. Lúc ấy quốc vương phải khởi từ bi, thương xót mọi loài, ân xá người tội, trợ giúp dân lành, thành  khẩn  ân  cần,  lập  đàn  cúng  Phật Dược Sư Lưu Ly; nhờ sức gia trì, nước an dân mạnh, mưa hoà gió thuận, nông nghiệp  được  mùa,  tất  cả  tai  ương  thảy đều biến mất. Nhờ vậy, quốc vương sống lâu trăm tuổi, tại vị lâu dài, nhân dân vui vẻ trong cảnh thái bình.                        O

15. CHÍN THỨ HOẠNH TỬ

Tôn  giả A-nan  thưa  ngài  Cứu Thoát: “Tại sao mạng hết mà vẫn không chết, lại được sống thêm?” Bồ-tát Cứu Thoát ân cần trình bày, đức Phật có dạy chín loại hoạnh tử làm giảm tuổi thọ của các chúng sinh. Nếu biết tu hành, làm phan tục mạng, để khỏi tai nạn, phước thọ gia tăng, sống lâu mạnh khỏe.

Hoạnh tử thứ nhất: 

bệnh không đáng chết,  nhưng  lại  chết  ngang,  do  thiếu thuốc thang, không người chăm sóc. Khi gặp được thầy cho uống lầm thuốc. Lại tin hoạ phước của bọn tà ma, giết hại loài vật, hiến tế thần linh, gây thêm nghiệp sát, bệnh không đáng chết mà phải qua đời.

Hoạnh  tử  thứ  hai:  

do  bị  họa  lây,  từ người thân thuộc, phép vua tru lục, nên phải chết oan.

Hoạnh tử thứ ba: 

do sống đọa sa, buông lung vô độ, đam mê tửu sắc, chơi bời săn bắn, không biết giữ thân, nên phải yểu thọ. 

Hoạnh tử thứ tư: 

gặp phải hỏa hoạn, cháy rụi cả thân.

Hoạnh tử thứ năm: 

đó là chết chìm ở sông biển hồ, do không biết bơi, hoặc bị kiệt sức.

Hoạnh tử thứ sáu: 

là bị thú dữ xé xác ăn thịt. 

Hoạnh tử thứ bảy: 

té núi rớt hầm, thân thể nát tan, vô cùng đau đớn.

Hoạnh tử thứ tám: 

là do thuốc độc, thư yếm trù ẻo, quỷ thần hãm hại.

Hoạnh tử thứ chín: 

lâm cảnh đói khát, khốn khổ mà chết.                                 O

Lại nữa A-nan, ở trên thế gian, có người bất hiếu, phạm tội tày trời, phỉ báng Tam Bảo, làm điều phạm pháp, thì luật nhân quả không thể dung tha, gieo gì gặt nấy, đừng mong trốn chạy. Tội ác chất đầy, tuổi thọ sẽ giảm. Ta khuyên mọi người phóng sanh tu phước, gieo nhân tích đức, mới lìa khổ ách, hưởng được an vui.     O

16. MƯỜI HAI THẦN TƯỚNG

Bấy giờ, mười hai thần tướng Dược-xoa: thần Cung-tì-la, thần Phạt-chiếc-la, thần Mê-súy-la, thần An-để-la, thần Át-nể-la, thần San-để-la, thần Nhơn-đạt-la, thần Ba-di-la, thần Ma-hổ-la, thần Chân- đạt-la, thần Chiêu-đổ-la, thần Tỳ-yết-la, cùng với hàng ngàn quyến thuộc Dược-xoa, đều phát tâm lành, quy y Tam Bảo, hết lòng vì đạo, cứu giúp người đời, làm việc nghĩa lợi, mang lại an vui.             O

Bạch  đức  Thế  Tôn,  chúng  con  phát nguyện, hết lòng phò hộ người trì kinh này, thoát khỏi ách tai, cát tường như ý. Ai  muốn  cầu  gì,  dùng  “niệt  năm  sắc,” gút tên chúng con, trì tụng chú thần, ước nguyện trọn phần, mới mở gút ra. Đức Phật Thích-ca khen các Dược-xoa, tâm nguyện bao la, phò sinh cứu khổ, đáp đền ân Phật.                                                 O

17. TÊN GỌI CỦA KINH

Tôn  giả A-nan  cung  kính  bạch  Phật: “Kinh này tên gì, làm sao thọ trì, để được phước báo, xin Phật chỉ bảo.”Thế Tôn dạy rằng đây chính là Kinh Bổn Nguyện Công Đức của Phật Dược Sư, hay còn gọi là Thần Chú Tiêu Tai của Mười Hai vị Thần Tướng Dược Xoa, còn gọi  là  Kinh  Diệt  Trừ  Nghiệp  Chướng. Đọc tụng thọ trì, công đức vô lượng.     O

Nghe  Phật  nói  xong,  các  bậc  Bồ-tát, các hàng Thanh Văn, các vị quốc vương, đại thần cư sĩ, bát bộ long thiên, người và quỷ thần, vô cùng hoan hỷ, phát nguyện thọ trì, truyền bá kinh này.                   O

Nam-mô Dược Sư Hải Hội Phật Bồ-tát.  (3 lần)

CHÂN NGÔN DƯỢC SƯ

Nam-mô  Bạc-già-phạt-đế,  bệ-sát-xã, lũ-lô-thích-lưu-ly,  bác-lặc-bà,  hắc-ra-xà-giả.  Đát-tha  yết-đa-gia,  a-ra-hắc-đế. Tam-miệu  tam-bột-đà-gia,  đát-điệt-tha. Án bệ-sát-thệ, bệ-sát-thệ, bệ-sát-xã, tam-một yết-đế xóa-ha.                         (3 lần) O

Tháo mở hận thù, buông oan trái.

Nghiệp chướng bao đời đều rụng hết.

Rửa sạch lòng trần, phát tâm thành kính.

Quỳ trước Phật đài, xin giải oan nghiệt.

Dược Sư Phật, Dược Sư Phật.

Tiêu Tai Tăng Thọ Dược Sư Phật.

Tùy tâm mãn nguyện Dược Sư Phật.

TÁN DƯƠNG DƯỢC-XOA

Mười hai thần tướng Dược-xoa,

Giúp Phật Dược Sư,

Phù hộ chúng sanh.

Bùa năm sắc kết thần danh,

Nguyện ước đều viên thành,

Oan nghiệp tan nhanh,

Phước thọ mãi an lành 

HỒI HƯỚNG

Tụng kinh tu tập phước tăng, 

xin đem hồi hướng xa gần khắp nơi

Nguyện cho tất cả trời người

Đều vào cõi phật sáng ngời chân tâm

Nguyện trừ ba chướng trầm luân

Sống trong trí tuệ tịnh thân cõi lòng

Nguyện cho tội ngiệp tiêu mòn

Noi theo bồ tát làm tròn tấm gương

Nguyện sanh cõi tịnh tây phương

Mẹ cha chín phẩm sen vàng nêu danh

Hoa cười chứng ngộ vô sanh

Cùng hàng bồ tát đồng hành tâm linh

Nguyện đem công đức tạo thành

Hướng về tất cả chúng sanh mọi loài

Dải ban hạnh phúc muôn nơi

Giúp người giác ngộ an vui đạo màu



No comments:

Post a Comment